Chuyện về Thomas Edison và Nicola Tesla



Chắc hẳn cái tên Thomas Edison không còn xa lạ gì với chúng ta, từ bé mình đã nghe rất nhiều câu chuyện đầy cảm hứng về ông. Dạng như như thưở bé Edison bị đuổi học vì trí tuệ quá kém, nhưng ông nỏi tiếng về tinh thần ham học hỏi, chủ yếu tự nghiên cứu và thực nghiệm, truyện kể rằng năm 12 tuổi Edison bán báo trên tàu hỏa nhưng vì ham thích nghiên cứu ông đã "lén" lập hẳn một phòng thí nghiệm hóa học và in báo ngay trên một toa tàu hàng. Hơn nữa ông cũng nổi tiếng với rất nhiều phát minh như bóng đèn điện, máy ghi âm, máy chiếu phim v.v. Trong khi đó, Nicola Tesla được đánh giá là một thiên tài phát minh, từng là nhân viên của Thomas Edison nhưng là một cái tên ít được nhắc đến hơn hẳn mặc dù ông cũng có rất nhiều đóng góp cho khoa học. Nhưng đằng sau sự thành công và thất bại của một con người còn bao nhiêu chuyện chưa kể. Bài viết này chỉ đề cập tới một số mẩu chuyện nhỏ liên quan đến hai nhân vật trên mà không phải ai trong chúng ta cũng biết đến.

Sự "phát minh" ra bóng đèn điện



“Genius is one percent inspiration, ninety-nine percent perspiration”

Nói chung, hầu như Thomas Edison được biết đến như một tấm gương về sự ham học hỏi và làm việc không mệt mỏi với câu nói nổi tiếng mà chắc có lẽ ai cũng biết: "Thiên tài là 1% cảm hứng và 99% lao động". Ngoài ra, nhiều sách vở vẫn ca ngợi ông đã thất bại hơn 10,000 lần để phát minh ra bóng đèn điện. Nói tới đây, mình muốn đề cao sự kiên trì lao động không mệt mỏi của ông hơn là việc "phát minh" ra bóng đèn điện.

Vì hai lẽ:thứ nhất là ông chỉ là người cải tiến bóng đèn điện để nó có thể dùng được lâu hơn, tin cậy và dễ sản xuất hàng loạt hơn chứ không phải người phát minh ra nó, thứ hai điểm đáng chú ý của ông không phải là việc sản xuất ra sản phẩm (bóng đèn) mà làm thế nào để kiếm tiền từ nó. Ông đã thành lập công ty chiếu sáng mang tên mình (Edison Illuminating Company), và mở trạm phát điện (một chiều) đầu tiên ở New York vào năm 1882. Chỉ sau 14 tháng ông đã có 504 thuê bao và hỗ trợ hơn 12,732 bóng đèn.

Nhưng có lẽ vì phương pháp tiếp cận của Edison thiên về thực nghiệm nhiều hơn là lý thuyết nên ông gặp thất bại nhiều lần trước khi thành công. Do đó Nicola Tesla cũng có nhận xét về Edison như sau: “Nếu như Edison phải tìm một cái kim trong đống rơm thì ông ấy sẽ cần mẫn làm việc như một con ong, ông sẽ lần tìm từng cọng rơm để tìm ra bằng được cái kim. Tôi từng là nhân chứng đáng buồn cho những việc làm này của ông và biết rõ rằng, với một chút lý thuyết và tính toán ông ta có thể tiết kiệm được 90% công sức đã bỏ ra”. Điều này cũng hợp lý và đáng buồn cho Edison vì ông không có một nền tảng học vấn tốt từ bé, chủ yếu là tự học theo lối thực nghiệm.

Cuộc chiến dòng điện (war of currents)


Vào những năm đầu tiên của nghành điện thì dòng điện một chiều (DC: direct current) là tiêu chuẩn ở Hoa Kỳ. Nhưng nhược điểm của dòng điện một chiều là không thể truyền tải điện năng đi xa, hệ thống điện của Edison lúc bấy giờ chỉ có thể truyền điện đi xa trên dưới một dặm (1.6km).

Trong khi đó, dòng điện xoay chiều (AC: Alternating current) có thể khắc phục những nhược điểm của điện một chiều. Và phương pháp truyền tải điện xoay chiều được phát minh bởi Nicolas Tesla (từng là kỹ sư của Thomas Edison) giúp truyền tải điện năng đi xa hơn rất nhiều và trở thành đóng góp quan trọng trong ngành điện lực. Vào năm 1888, George Westinghouse đã trả tiền cho bằng sáng chế về động cơ điện xoay chiều và thiết kế máy biến thế của Nicolas Tesla và thuê Tesla một năm để làm tư vấn cho công ty của mình. Và chỉ trong vòng vài năm, hơn 100 thành phố, thị trấn đã dùng hệ thống điện xoay chiều của Westinghouse.

Edison thậm chí còn thuê trẻ em bắt mèo, chó và sử dụng chúng vào các cuộc trình diễn ở nơi công cộng. Ông buộc những mảnh kim loại vào thân thể chó, mèo rồi cho dòng điện chạy qua để dân chúng chứng kiến cảnh chúng bị điện giật như thế nào để rồi nêu câu hỏi: “Hỡi các vị, các vị có chấp nhận để vợ, con mình nấu nướng bằng dòng điện này hay không?”
Theo Tia sáng

Thomas Edison cũng đã phí thời gian và tiền bạc để thực hiện một chiến dịch vận động chống lại sự phổ biến của dòng điện xoay chiều. Ông đã thu thập những số liệu về các cái chết do điện xoay chiều gây ra. Hơn thế nữa, vào ngày 4 tháng 1 năm 1903, ông đã cho giật chết một con voi tên là Topsy bằng một dòng điện 6,600 volts để chứng minh sự nguy hiểm của dòng điện xoay chiều. Nói một cách nào đó đây là một chiến dịch tuyên truyền “không quân tử” của Edison, bởi vì hệ thống lưới điện lúc đó của Edison chỉ hỗ trợ tối đa DC 110 volts (và không thể có hiệu điện thế cao hơn với chi phí thấp) chứ không phải điện xoay chiều nguy hiểm hơn.

Dù Thomas Edison có cố gắng tuyên truyền về sự nguy hiểm của dòng điện xoay chiều thì nó vẫn chiếm ưu thế vượt trội trong việc truyền tải điện trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hầu hết mọi thiết bị điện bây giờ (điện thoại, máy tính, laptop, tablets, máy nghe nhạc, máy pha cà phê, lò vi sóng) đều phải cần một bộ chuyển AC sang DC. Cho nên, một cách nào đó mặc dù Edison đã thua trong cuộc chiến truyền tải điện nhưng ông đã thắng trong “phân khúc đồ điện tử”.

Nicola Tesla


Tesla là một người nhập cư đến Mỹ từ Serbia vào năm 1884 (lúc 28 tuổi) và làm việc cho công ty của Thomas Edison. Tesla là một nhà khoa học xuất sắc, so về mặt trí tuệ và học vấn thì ông hơn hẳn Edison, ông là sinh viên xuất sắc và được học bổng của đại học công nghệ Graz ở Áo (có lẽ người tài có xu hướng bỏ học, Tesla cũng bỏ học vào năm cuối). Hơn thế nữa, có người còn gọi ông là “the greatest geek who ever lived”, tuy nhiên những phát minh của ông tại thời điểm đó không mang lại giá trị kinh tế. Ví dụ như ông ấp ủ ý tưởng về một hệ thống vừa truyền tải điện năng vừa truyền tải thông tin mà không cần dùng dây dẫn. Không những thế ông còn ước mơ đến một ngày con người có thể sử dụng miễn phí điện năng trên toàn thế giới.



Năm 1901, một toà tháp cao 29m do Nicola Tesla thiết kế được xây dựng nhằm truyền tín hiệu điện thoại và điện năng không dây. Đề án được hỗ trợ $150,000 (tương đương $3 triệu vào năm 2009) bởi nhà đầu tư mạo hiểm J.P.Morgan. Tuy nhiên đến năm 1905 dự án không thể hoàn thành do có nhiều thay đổi trong thiết kế ban đầu và không thu được những kết quả kỹ thuật mong muốn, cũng như không tìm được thêm nguồn tiền tài trợ từ các nhà đầu tư.

Edison đánh giá giá trị một phát minh ở chỗ phát minh đó mang lại bao nhiêu USD cho doanh nghiệp của mình trong khi Tesla không chỉ quan tâm đến tiền, ông cho rằng ý nghĩa của một phát minh trước hết là ở chỗ phát minh đó góp phần sử dụng sức mạnh của thiên nhiên vì lợi ích của con người như thế nào.
Theo Tia sáng

Bởi vì những phát ngôn và tính cách lập dị của mình ông bị coi là một nhà khoa học điên. Mặc dù có những phát minh và đóng góp quan trọng cho khoa học nhưng ông qua đời trong tình trạng khánh kiệt trong phòng số 3373 của khách sạn New Yorker vào ngày 7 tháng 1 năm 1943. Có lẽ, bài học rút ra cho các nhà phát minh, các tài năng là nên cân bằng giữa sự lãng mạn và mơ mộng của mình với lợi ích kinh tế, ít ra như Edison chẳng hạn. Bởi vì bản thân Thomas Edison cũng không phải là một người kinh doanh giỏi, theo nhận xét của người bạn thân của ông là Henry Ford.

Tổng hợp bởi Nguyễn Quang Hưng

Tham khảo:
Why Nicola Tesla was the greatest geek who ever lived - http://theoatmeal.com/comics/tesla
Chuyện về chiếc ghế tử thần - Kỳ 2: Cuộc chiến các dòng điện  - http://baotintuc.vn/ho-so/chuyen-ve-chiec-ghe-tu-than-ky-2-cuoc-chien-cac-dong-dien-20130409222059456.htm
Jan. 4, 1903: Edison Fries an Elephant to Prove His Point - http://www.wired.com/science/discoveries/news/2008/01/dayintech_0104
Nhà sáng chế lỗi lạc vô tư và nghèo khổ - http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/nha-sang-che-loi-lac-vo-tu-va-ngheo-kho

Comments

  1. Cảm ơn tác giả đã chia sẻ thông tin rất hay
    ----------------------
    Mr.Nam
    CHUYÊN BỘ CẢNH BÁO SỰ CỐ ĐƯỜNG DÂY TRUNG THẾ FCI

    ReplyDelete

Post a Comment

Popular posts from this blog

Alan Turing và máy Enigma

Chiếc mặt nạ của Guy Fawkes, nhóm Anonymous và phim V for Vedetta.